Nền công nghiệp chăm sóc sức khỏe trên thế giới và ở Việt Nam

Bài 1: Những đặc điểm riêng của công nghiệp CSSK

Những năm sắp tới, trong xu thế của toàn cầu cũng như khu vực, công nghiệp chăm sóc sức khỏe (CSSK) của nước ta chắc chắn sẽ có những bước phát triển vượt bậc do già hóa dân số, sự tiến bộ vượt bậc của công nghiệp dược và thiết bị y tế… Tuy nhiên, nền công nghiệp CSSK cần được hiểu thế nào cho đúng, nó có đặc điểm gì và đã được thực hiện ở các nước phát triển ra sao, xu hướng ở nước ta như thế nào?...

Công nghiệp CSSK hay công nghiệp y tế là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới, chiếm đến trên 10% GDP của hầu hết các nước phát triển. Công nghiệp CSSK giữ một vai trò cực kỳ lớn của nền kinh tế các nước này và có những đặc điểm riêng biệt, rất khác so với các lĩnh vực khác.

Công nghiệp CSSK là gì?

Công nghiệp CSSK bao gồm những tổ chức cung cấp dịch vụ chẩn đoán, dự phòng, điều trị, các bệnh viện, các tổ chức y tế tư nhân, y tế công và tổ chức y tế tình nguyện. Công nghiệp CSSK còn bao gồm các nhà sản xuất - cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế. Một trong những lý do để khái niệm “công nghiệp CSSK” ra đời và ngày càng phổ biến trên thế giới là do sự phân biệt về khái niệm “sản xuất” và “dịch vụ” đã thay đổi. Mosby’s Medical Dictionary xuất bản năm 2009 định nghĩa: “Công nghiệp chăm sóc sức khỏe là toàn bộ các dịch vụ phòng bệnh, chữa bệnh và điều trị được cung cấp bởi các bệnh viện, các tổ chức, điều dưỡng, bác sĩ, nha sĩ, các nhà quản lý y tế, các tổ chức của Nhà nước, các đơn vị thể chế, các tổ chức tình nguyện, các cơ sở CSSK từ thiện, các nhà sản xuất trang thiết bị y tế, các nhà sản xuất dược phẩm và các tổ chức bảo hiểm y tế”.

Nền công nghiệp chăm sóc sức khỏe trên thế giới và ở Việt NamCông nghiệp CSSK là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất, phát triển nhanh nhất trên thế giới. Ảnh: st

Đặc điểm của thị trường công nghiệp CSSK

Đầu ra không được xác định rõ ràng bằng sản phẩm cụ thể: Dịch vụ CSSK có những đặc điểm khác với các dịch vụ và sản phẩm hàng hóa khác. Đầu ra của nhiều nền công nghiệp là những sản phẩm cụ thể nhưng đầu ra của dịch vụ CSSK không được xác định rõ ràng bằng các sản phẩm cụ thể. Đầu ra của dịch vụ CSSK không thể dự đoán và hiểu rõ bởi cả nhà cung cấp dịch vụ và cả người sử dụng hoặc thụ hưởng dịch vụ. Vì vậy, sự can thiệp của tổ chức thứ ba, tổ chức thanh toán chi phí (Cơ quan bảo hiểm y tế) và Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước về CSSK là rất quan trọng và toàn diện. Mặc dù có sự khác biệt trên đây, thị trường chăm sóc sức khỏe vẫn phải tuân thủ các quy luật kinh tế cơ bản và việc phân tích kinh tế là rất quan trọng để xác định chính sách y tế công cộng.

Mất cân đối thông tin: Một đặc điểm của thị trường công nghiệp CSSK là sự mất cân đối thông tin. Người sử dụng dịch vụ và/hoặc sản phẩm (dược phẩm, trang thiết bị y tế, xét nghiệm…) hay nói cách khác người tiêu dùng của nền công nghiệp CSSK luôn luôn nhận được ít thông tin về nguy cơ và lợi ích của dịch vụ/sản phẩm hơn so với các nhà cung cấp dịch vụ y tế /thầy thuốc và nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm thiết bị, dụng cụ y tế và dược phẩm. Vì vậy, các thầy thuốc và nhà sản xuất/cung cấp dịch vụ y tế đóng vai trò kép: Vừa là người tư vấn vừa là người cung cấp dịch vụ/sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Đối với việc khám chữa bệnh, hiện tượng này trở nên phức tạp hơn bởi vì thầy thuốc không chỉ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh nói riêng hoặc CSSK nói chung cho bệnh nhân mà đồng thời lại phải chịu sự kiểm soát của bên thứ ba: người trả tiền (cơ quan cung cấp ngân sách nhà nước và/hoặc cơ quan bảo hiểm y tế) và nhà quản lý và hoạch định chính sách CSSK.

“Sự lạm tín”: Đây là khái niệm mà các nhà kinh tế dùng để mô tả tình huống mỗi cá nhân người bệnh đều có khuynh hướng mong muốn được hưởng thụ bất cứ dịch vụ/sản phẩm nào được kỳ vọng có lợi cho sức khỏe của họ nếu họ không phải trả tiền. Trên thực tế, có thể thấy rất nhiều dẫn chứng về “sự lạm tín” trong hệ thống khám chữa bệnh và CSSK như lạm dụng thuốc, lạm dụng kỹ thuật cao và các thiết bị đắt tiền (sophyscated medical equipment), lạm dụng xét nghiệm… hoặc người bệnh đòi hỏi được sử dụng các biệt dược gốc thay vì các thuốc generic có chất lượng và tác dụng tương đương với giá cả chấp nhận được… Các hành động này diễn ra trên quy mô lớn, phổ biến sẽ dẫn đến việc ngân sách y tế luôn luôn thiếu hụt không những chỉ vì thực trạng của nền kinh tế và nguồn lực tài chính quốc gia hạn hẹp mà còn vì không kiểm soát được lãng phí và bất hợp lý trong sử dụng ngân sách y tế và quỹ bảo hiểm y tế. Mặt khác, cơ quan bảo hiểm y tế với tư cách “bên thứ ba” chịu trách nhiệm thanh toán chi phí khám chữa bệnh và CSSK luôn luôn chịu áp lực cao về việc chi vượt thu, như người ta vẫn thường nói là nguy cơ “vỡ quỹ” bảo hiểm y tế.

Mục tiêu cuối cùng là hiệu quả đối với sức khỏe: Hiệu quả này chỉ có thể xác định là khả năng (xác xuất) trước khi cung cấp dịch vụ và cũng khó đo lường được ngay cả sau khi dịch vụ được thực hiện. Chăm sóc y tế không phải là yếu tố duy nhất quyết định cho sức khỏe mà các yếu tố khác như dinh dưỡng, luyện tập thể dục và lối sống có ý nghĩa quan trọng. Sự phân bổ có hiệu quả nguồn lực đầu tư vào khu vực y tế công hay y tế tư nhân đòi hỏi phải thận trọng đánh giá cân bằng chi phí và hiệu quả trên đầu ra của mỗi hệ thống.

Làm gì để có một nền công nghiệp CSSK lành mạnh?

Để một nền công nghiệp CSSK hoạt động lành mạnh, hợp lý và có hiệu quả, cơ quan quản lý y tế và các tổ chức bảo hiểm y tế cần phải có các biện pháp và sáng kiến nhằm kiểm soát và hạn chế hữu hiệu “sự lạm tín” cả ở phía bệnh nhân/người sử dụng dịch vụ/sản phẩm và cả những người/tổ chức cung cấp dịch vụ/sản phẩm CSSK. Những biện pháp/sáng kiến như vậy phải làm cho những nhà cung cấp dịch vụ/sản phẩm cân nhắc để cân bằng được giữa sự mong muốn trước mắt của bệnh nhân và lợi ích dài hạn của cơ quan bảo hiểm y tế và cơ quan quản lý ngân sách y tế trong một thị trường ngày càng phát triển của nền công nghiệp CSSK. Đây là điều mà người ta vẫn hay nói là chống “lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế”.

Còn nữa

PGS.TS. Lê Văn Truyền

((Chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế))